CÁCH ĐỌC SÁCH (2)
3–Tâm pháp và nhãn pháp (tt)
Một cách nói khác về hai điều này là có phân biệt rõ rệt giữa kiến thức và chứng nghiệm tâm linh. Người ta dễ dàng thu thập kiến thức, nhưng muốn có kinh nghiệm tâm linh hay sự chứng thực nội tâm thì khó nhọc hơn. Điều này do chính mỗi người tạo cho mình mà không thể học được từ bên ngoài, và cách duy nhất để có là sống với chân lý, sống theo TTH.
Đặc tính của thời đại ta đang sống là khối lượng thông tin lớn lao được tung ra trên thế giới mà ai cũng có thể thu nhận, nhờ kỹ thuật mỗi ngày một tinh vi. Sự phát triển trí năng nơi con người làm cho đây là việc không thể tránh khỏi, dù vậy mục đích nhắm tới được khuyến khích là sự phát triển tâm thức đi kèm với kiến thức. Với ai chưa kinh nghiệm thì dễ lầm lẫn hai điều này với nhau. Vì thế khi đọc sách, ta nên xem là tác giả viết theo kiến thức hay tâm thức bởi kiến thức không cho ta nhìn hết, cảm nhận trọn vẹn một chân lý. Nó nhìn sự việc ở cõi trí, mang tính chất nhị nguyên là có người quan sát đứng ngoài và đối tượng, trong khi hiểu biết đúng đắn thường chỉ có được khi có sự hòa hợp giữa hai điều này, cả hai thành một.
Bây giờ nói về tâm thức là nói đến việc con người trở thành, là, thí dụ như câu nói trong kinh thánh:
– Ta là con đường, là sự thật và là sự sáng.
Đây không phải là câu chỉ riêng về đấng đã thốt nên lời ấy, mà nó áp dụng được cho tất cả mọi linh hồn nào đã giác ngộ. Suy rộng ra hơn, linh hồn trở thành và là tình thương, sự bình an v.v.
Có thể nói sự phân biệt giữa nhãn pháp và tâm pháp là điều quan trọng nhất khi đọc sách, vì đặc biệt vào thời điểm này, nhãn pháp tràn lan mà nếu không suy xét kỹ người ta dễ bị lầm lạc và đi sai đường, nên ta cần tập để nhận ra các huấn thị có tính tâm pháp. Sách viết về tâm pháp có đặc tính chung là cho bạn viễn ảnh cao, rộng, lớn lao, làm bạn ý thức có một điều vĩ đại, đẹp hơn mình, và bạn có thể trở thành điều đó.
Chuyện kể ngài Nan Đà là anh em họ với đức Phật. Sau khi thành đạo, Phật quay về giảng pháp cho hoàng gia; Nan Đà nghe giảng rồi xin đi theo, đức Phật hỏi tại sao thì ông trả lời giản dị.
– Con thấy ngài đẹp đẽ, uy nghi quá nên cũng muốn được giống vậy !
Nan Đà đáp ứng với tâm đức Phật, cảm nhận đó là một với mình, biết mình có thể đạt được như thế và muốn thành như thế.
Tâm pháp chỉ cho bạn con đường để tới viễn ảnh. Về điểm này, ông Christmas Humphreys tả lại việc các tác phẩm của HPB đã cho ông thấy con đường ra sao. Trước đó ông đọc nhiều mà chưa thỏa mãn:
– Tôi thấy con đường nhưng tại sao nó ở đó ? Bản đồ hay một phần bản đồ ở đâu, để tôi có thể thấy khởi đầu và viễn ảnh về chung cuộc của nó ? Vì ngay cả bước kế tiếp cũng hóa chán nếu chính cái hướng của đường Đạo còn mờ mịt không biết ... Bà Rhys Davids (một học giả uyên thâm về kinh sách Phật giáo Tiểu thừa) nói 'Phật giáo là con đường dài giữa sự bất toàn hiện thời của chúng ta và sự toàn thiện tiềm ẩn nơi mọi người'. Nhưng tôi muốn thấy Thiên Cơ ấy. Tôi nhớ mình đứng khựng lại giữa đường trong thành phố Cambridge và lớn tiếng đòi hỏi 'Vậy không được, chán chết, vậy không được ! Mình là ai và mình là gì chứ, quay cuồng trên mảnh đất tí xíu này trong vũ trụ riêng biệt này ?’
‘Tôi tìm thấy Thiên Cơ của mình trong lời bàn của Kinh Dzyan, kinh điển rất cổ xưa của Tây Tạng, trong quyển sách tên The Secret Doctrine, của HPB. Cuốn sách này cho tôi lần đầu tiên điều tôi thấy, lúc đó cũng như bây giờ, như là sự diễn giải rõ ràng vạch ra vũ trụ thành hình như thế nào và ngưng lại ra sao, và nằm trong đó là việc khai sinh và ý nghĩa của con người. Đây là bản đồ của việc trở thành’.
Bạn để ý, ai đã tỏ ngộ phần nào đều nói đến việc ‘trở thành, là’ tức về tâm thức, mà không nói ‘có hiểu biết’ là về kiến thức.
Nói thêm thì khi trí năng chiếm ưu thế trong sự tiến hóa như hiện giờ, con người có khuynh hướng dùng hạ trí hay trí cụ thể để tìm hiểu chân lý, và cách ấy đang vượt trội hiện nay. Đây là điều tự nhiên vì người tây phương thiên về trí, có trí cụ thể phát triển mạnh, cũng như thời đại mà ta đang sống chủ về việc ấy, là chi chủng thứ năm của mẫu chủng thứ năm, có đặc tính chính là trí năng. Việc dầu vậy đưa tới sự kiện là huấn thị có tính triết lý thay vì được hiểu theo nghĩa tinh thần, lại được đa số dùng hạ trí phân tích, mổ xẻ, bình luận theo sự hiểu biết giới hạn của trí cụ thể.
Internet và sách vở hiện thời cho thí dụ rõ ràng về khuynh hướng đó, và nó cũng đã lan vào cách học hỏi Theosophy của một số người. Nó biểu lộ qua việc chú tâm vào mặt trí tuệ của các ý niệm của Theosophy, phân tích và so sánh bài viết của các tác giả xưa, nay trong Hội. Do vậy ta lại phải cảnh giác cao hơn khi đọc sách.
Trí tuệ có vai trò của nó và khi sử dụng đúng cách giúp nhiều điều hay cho nhân loại, nhưng bên cạnh cái trí ta còn có những quan năng khác của con người tinh thần, thí dụ như trực giác, cần được sử dụng để làm quân bình và hòa hợp điều ta học hỏi. Chân lý khi chỉ nhìn thuần về mặt trí cụ thể là chưa thấy được nó trọn vẹn, chỉ mới thấy các phần riêng rẽ và ta cần sử dụng trực giác hay óc thuần lý (pure reason) để tổng hợp, kết nối các phần riêng rẽ với sự sống chung.
Lấy thí dụ nếu một nhà thảo mộc học, hóa học gia, nghệ sĩ và nhà yogi cùng nhìn ngắm cành hoa sen trong hồ,
– Nhà thảo mộc học sẽ định danh nó, cho hoa tên khoa học và ghi nhận các phần của bông hoa.
– Hóa học gia sẽ chú tâm vào thành phần hóa học của hoa, tiến trình quang tổng hợp v.v.
– Nghệ sĩ thì ca ngợi vẻ đẹp, mầu sắc và đường nét, hình dạng cánh hoa
– Nhà yogi sẽ trầm ngâm với ý nghĩa bông hoa như là một cách biểu hiệu của sự sống.
Trong khi đó hoa sen điềm nhiên với tất cả, đứng lặng lẽ trong hồ ! Nguyên nhân của bất cứ sự việc nào, sự thật và ý nghĩa của nó, không thể được chứa đựng trong ý niệm của ta về việc, dù là cao thế mấy, mà còn cần sự cảm nhận của cái tâm. Chân lý nằm bên trong ta và chờ được nhận biết bằng mọi quan năng của tâm và trí mà muốn nhìn cho rõ, chuyện cần thiết là tấm gương trí tuệ cần được rửa sạch bởi ngọn suối của tâm.
4. Vài yếu tố khác.
● Hiểu tác giả viết theo quan điểm nào.
Mỗi tác giả đều chịu một số ảnh hưởng như đất nước, văn hóa mà họ sinh ra, hoàn cảnh xã hội và thời đại mà họ sống. Quan điểm của họ bị các yếu tố đó chi phối phần nào, và ta cần biết điều này để có nhận xét đúng đắn về nội dung bài viết của họ. Lấy thí dụ khi tác giả là người Anh, chuyện dễ hiểu là họ có thể biểu lộ lòng trung thành với vua hay nữ hoàng, là điều mà người thuộc văn hóa khác thấy xa lạ; hoặc nếu đó là người Ấn thì họ có thể đề cập tới các triết lý tuy rất phổ thông tại Ấn nhưng lại không được biết tới ở những nơi khác.
● Trình độ của tác giả và người đọc, nó đương nhiên dẫn tới một điều là sách không nên chỉ đọc một lần rồi thôi, mà nên đọc đi đọc lại suốt cả đời. Lý do là các sách của HPB và A.A. Bailey giống như củ hành có nhiều lớp, bọc hết lớp ngoài thì tới lớp trong, hiểu biết TTH cũng được trình bầy theo cùng cách thức, càng đi sâu ta càng khám phá thêm nhiều điều. Thứ hai, ta tăng trưởng luôn và nhờ kinh nghiệm mới có nhiều hiểu biết hơn, nhìn sự việc theo cách khác.
– Những gì trước đây đọc chưa hiểu nay sau một thời gian quay lại, chẳng những ta có thể hiểu ra mà còn bắt được những ý trước đây vì chưa từng trải ta đã không nhận biết, và
– Điều hiểu được khi trước nay đọc lại làm ta hiểu thêm, hiểu sâu hơn.
Kế đó, nên cập nhật hiểu biết, đọc các sách mới với tinh thần cởi mở, bởi chân lý là hạt kim cương nhiều mặt, những mặt khác nhau của nó sẽ hiện ra vào các thời điểm khác nhau, khi các Vị hướng dẫn nhân loại thấy cần đáp ứng một nhu cầu của thế giới.
Nói thêm về mức hiểu biết của người viết, chính bạn là người đọc cần có kiến thức rộng, nhiều kinh nghiệm để nhận xét đúng đắn về mức tri thức của họ, bởi cái lớn sẽ bao trùm cái nhỏ. Có biết nhiều, hiểu sâu thì bạn mới nhận ra trình độ của tác giả tới bực nào, và họ viết đúng hay sai, hiểu được họ muốn nói gì.
Điểm khác là tựa như con sông ban đầu ở nguồn thì trong trẻo, nhưng xa rời nguồn thì nước vẩn đục dần vì phải chẩy qua những nơi không trong sạch, triết lý bí truyền khi được trưng bầy cho thế gian sau một lúc sẽ không còn được tinh tuyền như thuở ban đầu, mà sẽ có thay đổi. Thay đổi tốt hay xấu là do người thừa kế, và nói về TTH đó là các thế hệ sau. Tùy mức hiểu biết và sự diễn giải của họ mà chỉ dẫn được hiểu đúng và tiếp tục giữ được sự trong sáng của nó, hay người sau hiểu không tận nơi và diễn giải sai lạc so với ban đầu.
Thí dụ là sau khi HPB qua đời, từ năm 1891 cho đến khoảng giữa thế kỷ trước, việc đi tìm chân lý bị lòng sùng tín chi phối mạnh trong Hội. Thay vì học hỏi Theosophia, sống theo chân lý, tâm tình được sách vở trong Hội nói tới nhiều lại là ý muốn được nhận làm đệ tử chân sư. Đây có thể xem là giai đoạn lạc bước phần nào và nó lên tới tột đỉnh qua hiện tượng Krishnamurti. Con số hội viên gia tăng mạnh mẽ lúc Krishnamurti còn ở trong Hội, để rồi khi Krishnamurti tuyên bố giải tán tổ chức lập ra cho ông, đông đảo hội viên mất niềm tin và ra khỏi Hội. Hiện tượng Krishnamurti do vậy có điểm hay là giúp thanh lọc, làm phân biệt rõ ai đến với Hội vì chân lý, và ai đến với mục đích khác.
● Tính duy vật trong sách vở tâm linh.
HPB thấy được việc này ngay từ những ngày đầu của Hội. Bà viết:
– Quyển Esoteric Buddhism được biết tới rộng rãi trong giới hội viên TTH, và ngay cả thế giới bên ngoài. Nó là quyển sách tuyệt vời và đã thực hiện được việc tuyệt diệu. Nhưng điều này không làm thay đổi sự kiện là sách chứa đựng vài sai sót, và đã khiến nhiều hội viên có ý niệm sai sót về triết lý bí truyền đông phương. Hơn nữa, có lẽ xem ra sách có tính duy vật phần nào.
Esoteric Buddhism là quyển đầu tiên viết về triết lý bí truyền mà có tính duy vật, và từ đó tới nay, tính này vẫn còn đó trong nhiều tác phẩm. Ấy là điểm quan trọng mà bạn cần chú ý khi đọc sách tâm linh. Một cách chọn lựa là hãy tự hỏi tác giả viết theo quan điểm nào, tinh thần hay duy vật, chân nhân hay cái tôi phàm ngã.
HPB có vai trò làm Theosophia linh hoạt trong thế giới nói chung, mà còn lần đầu tiên vạch ra con đường cho người tầm Đạo như Christmas Humphreys đã viết. Hai phận sự này khiến tác phẩm của bà vừa có tính đặt nền tảng, trưng ra các nguyên lý của Theosophia, và cùng lúc ghi rõ những đòi hỏi phải thực hiện cho ai đi tìm chân lý. Vì các tính chất:
– cho viễn ảnh về tương lai con người
– là tâm pháp
– chỉ dẫn về đường Đạo
sách của bà có giá trị đặc biệt là tạo căn bản vững chắc và an toàn, là tiêu chuẩn đáng tin cậy để ta dựa vào đó xét giá trị của các sách tâm linh.
Lại nữa, tác giả lớn sau HPB là A.A. Bailey triển khai những điều trong tác phẩm của HPB, tức khi nắm vững chỉ dạy của HPB bạn sẽ dễ dàng hiểu các huấn thị khác, và nhiều phần tránh được việc đi lạc đường.
Tham khảo:
– Theosophia in Australia 1964, Norman Hankin.
– Letters on Occult Meditation, A.A. Bailey.